Lượt xem: 802

Thi đua là yêu nước!

Giữa thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức phong trào thi đua ái quốc, kêu gọi toàn dân tộc tích cực thi đua làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công. 

 


Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ IV -1966 - Ảnh tư liệu

    Nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nêu rõ:

    “Mục đích thi đua ái quốc là:

         Diệt giặc đói,

         Diệt giặc dốt,

         Diệt giặc ngoại xâm.

    Cách làm là: Dựa vào:

         Lực lượng của dân,

         Tinh thần của dân, để gây:

         Hạnh phúc cho dân…

    Trong cuộc Thi đua ái quốc, chúng ta:

         Vừa kháng chiến,

         Vừa kiến quốc.

    Kết quả đầu tiên của Thi đua ái quốc sẽ là:

         Toàn dân đủ ăn đủ mặc.

         Toàn dân biết đọc, biết viết,

         Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm.

         Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn.

    Thế là chúng ta thực hiện:

         Độc lập dân tộc,

         Dân quyền tự do,

         Dân sinh hạnh phúc.

    Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn[1] đã nêu ra”.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” - Ảnh tư liệu

    Lời kêu gọi nhắc đến nhiệm vụ của mọi tầng lớp nhân dân và kết luận: “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi…”.

    Người nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”; “công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua”...

    Hưởng ứng “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua ái quốc được phát động và lan rộng khắp vùng miền, cuốn hút, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước thi đua lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống giặc đói; thi đua học tập, xóa nạn mù chữ, chống giặc dốt và dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm...

    Thi đua là để động viên: Động viên tinh thần, động viên vật chất, động viên sức người sức của. Trong thời chiến, thi đua là để thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, làm cho “thế và lực của ta chuyển biến”, trong thời bình, thi đua là để xây dựng, phát huy sức mạnh nội lực để phát triển kinh tế, “tự cấp, tự túc đi kịp người ta”; ái quốc là yêu nước, yêu nước là gì, nước là dân. Vậy, “thi đua ái quốc” nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mỗi người. “Yêu nước thì phải thi đua, thi đua tức là yêu nước” nhằm ba mục đích: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do”. Như vậy thi đua yêu nước là kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc ta trong quá trình dựng nước và giữ nước, thi đua yêu nước đã đi vào lòng người, biến thành sức mạnh vật chất lớn lao.

    Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, phong trào thi đua yêu nước phát triển mạnh mẽ và rộng khắp với khẩu hiệu: “Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”, “Hậu phương thi đua với tiền tuyến”… Ở miền Nam có phong trào thi đua “Phá ấp chiến lược”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”. Ở miền Bắc là hậu phương, nên thi đua có vị trí quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cuộc cách mạng trong cả nước và là cơ sở vững chắc cho công cuộc kiến thiết khi thống nhất.


Một số hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Trong các ngành, các giới đã dấy lên phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu và vượt các lá cờ đầu: Trong ngành nông nghiệp có phong trào thi đua “Đại Phong”; trong công nghiệp có “Duyên Hải”; thủ công nghiệp có “Thành Công”; quân đội có “Ba nhất”; giáo dục có “Bắc Lý”… Không khí chiến đấu và sản xuất dâng lên cao, thể hiện sáng ngời chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”; các lực lượng vũ trang nhân dân nêu cao khẩu hiệu “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; giai cấp công nhân với quyết tâm “Chắc tay búa, vững tay súng”; phấn đấu đạt “ba điểm cao”; nông dân tập thể nêu quyết tâm “Chắc tay súng, vững tay cày”; “Ba sẵn sàng”; “Ba đảm đang”; “Hai tốt”… của thanh niên, phụ nữ, giáo viên, học sinh, thiếu niên nhi đồng. Tất cả những phong trào thi đua đó chẳng những đưa cách mạng đến thắng lợi huy hoàng, mà còn là mực thước, kinh nghiệm cho thi đua ái quốc của chúng ta ngày nay.

    Mỗi thời kỳ thi đua yêu nước mang sắc thái cách làm khác nhau, nhưng tất cả đều hướng về cái đích: Vì một Việt Nam phát triển! Từ một đất nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thường nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Quốc Hùng

 

Chú thích:

[1]  Tôn Văn: Là Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn) đã đề ra chủ nghĩa tam dân: Dân tộc độc lập - Dân quyền tự do - Dân sinh hạnh phúc.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 39
  • Hôm nay: 392
  • Trong tuần: 67,712
  • Tất cả: 11,851,901